Tác động của đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn nhưng vốn đầu tư vẫn đổ vào các dự án start-up, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dịch vụ tài chính, đổi mới sáng tạo
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt start-up Việt công bố gọi vốn thành công với số tiền đầu tư lên đến hàng triệu USD. Cá biệt, VNLIfe - công ty sở hữu dịch vụ thanh toán VNPay - đã huy động thành công hơn 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, ví điện tử MoMo cũng gọi vốn 100 triệu USD thành công ở Series D.
Quý I/2021 Đầu tư vào Startup Việt tăng ấn tượng
Theo Báo cáo quý 1/2021 mới công bố của Nextrans Vietnam, tổng giá trị các khoản đầu tư trong 3 tháng đầu năm vào các startup Việt Nam đạt hơn 100 triệu USD. Như vậy, tổng giá trị đầu tư tăng khoảng 34% so với năm 2020, chưa tính đến những khoản đầu tư không được công bố.
So với giai đoạn cùng kỳ năm 2020, số lượng thương vụ đầu tư trong đầu năm 2021 giảm 20%, chỉ đạt 16 thương vụ. Đây là mức khá thấp so với 20 thương vụ năm 2020 và 30 thương vụ năm 2019. Tuy nhiên, giá trị các khoản đầu tư lại tăng cao.
Báo cáo nhấn mạnh, các nhà đầu tư quốc tế đang có mức đầu tư vượt trội hơn nhà đầu tư trong nước cả về số lượng và giá trị đầu tư. Tổng giá trị đầu tư của các nhà đầu tư trong nước đạt dưới 10 triệu USD, trong khi con số này của các nhà đầu tư nước ngoài khoảng 100 triệu USD.
Đặc biệt, trong số đó, các khoản đầu tư ở vòng "hạt giống" và Series A cũng chiếm ưu thế với 70% số thương vụ, tăng cao so với cùng kỳ 2020 và 2019.
Các startup trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) đứng đầu với 4 thương vụ trên tổng số 16, chiếm 40%. Tiếp đó là lĩnh vực logistics, lưu trú, bất động sản, giáo dục và y tế.
Các chuyên gia cho rằng, những lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư tập trung hiện nay là công nghệ tài chính, thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến, giải pháp doanh nghiệp và logistics.
Các quỹ đầu tư đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Việt Nam hiện có gần 180 quỹ đầu tư, điển hình bao gồm các tên lớn như VSV Capital - Vietnam Silicon Valley, Mekong Capital, 500 Startups Vietnam, Vietnam Investment Group, IDG Ventures Vietnam, Nextrans... Các quỹ đầu tư mạo hiểm từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang rất tích cực tìm kiếm những startup tiềm năng để rót vốn đầu tư.
Cùng với các quỹ đầu tư đến từ Singapore và Hàn Quốc, các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cũng là một trong những nguồn đầu tư chủ chốt cho thị trường startup Việt Nam. Trong năm 2021, các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã bắt đầu xây dựng một hệ sinh thái startup để rót vốn đầu tư cũng như hợp tác với các startup được sáp nhập.
>> Tải để xem bản báo cáo chi tiết: Tại đây (tiếng Anh)
Startup 2021 lĩnh vực Fintech chứa đầy tiềm năng
Báo cáo của Ngân hàng UOB, Công ty Kiểm toán PwC Singapore và Hiệp hội Fintech Singapore vừa công bố cho thấy năm 2021, nguồn vốn đầu tư vào công nghệ tài chính (fintech) ở ASEAN tăng mạnh trở lại. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm nay, có 3,5 tỉ USD đổ vào lĩnh vực này, ở mức cao lịch sử và gấp hơn 3 lần so với cả năm ngoái. Sự phục hồi dòng đầu tư vào lĩnh vực fintech được thúc đẩy bởi 167 thương vụ, bao gồm 13 vòng gọi vốn lớn, chiếm 2 tỉ USD trong tổng số vốn.
Theo các chuyên gia, với việc áp dụng thanh toán kỹ thuật số ngày càng tăng ở ASEAN, nhiều nhà đầu tư đã đặt niềm tin và rót số tiền cao nhất vào các công ty fintech giai đoạn cuối (công ty thuộc vòng gọi vốn Series C trở lên).
Đáng chú ý, Việt Nam đứng thứ 3 về vốn tài trợ fintech trong khu vực. Thị trường ghi nhận sự phục hồi nguồn vốn mạnh mẽ ở các công ty fintech có trụ sở tại Việt Nam khi thu hút số tiền tài trợ 388 triệu USD, tương đương gần 1/10 tổng số vốn của 167 thương vụ nói trên.
>> Tham khảo: TƯ DUY STARTUP VÀ CÂU CHUYỆN KHỞI NGHIỆP TỪ CÁC ÔNG LỚN
Giới quan sát chỉ ra Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp và gần theo kịp Indonesia hay Singapore nhờ lợi thế môi trường khởi nghiệp năng động với nhiều doanh nhân và doanh nghiệp (DN) tham gia vào các lĩnh vực giàu tiềm năng như fintech, thương mại điện tử và giải pháp DN. Chỉ từ năm 2015-2020, số lượng công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech ở Việt Nam đã tăng 215%, theo Vietnam Fintech Report 2020. Trong đó, thanh toán vẫn là mảng thu hút DN nhiều nhất, chiếm 31% tổng số công ty khởi nghiệp fintech.
Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures dự báo tổng vốn đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức cao nhất từ trước tới nay với trên 1 tỉ USD. Khảo sát của Do Ventures với 50 quỹ đang hoạt động tại 6 thị trường ở Đông Nam Á cũng cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hàng đầu trong thời gian tới với các lĩnh vực mới nổi là giáo dục, y tế và dịch vụ tài chính.
Nguồn: Báo Doanh nghiệp Việt Nam, Báo Người Lao Động
>> Xem thêm: BẮT ĐẦU STARTUP NHƯ THẾ NÀO VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ START UP